Làm gì để lãng quên tình cũ??

906

Tìm đến một người nào đó quan tâm đến bạn, giấu những tấm hình cũ, không cố gắng duy trì tình bạn với người đã làm trái tim ta tan vỡ… sau cú sốc tình cảm.

Cuộc sống không có nhiều trải nghiệm mang lại cảm giác đau đớn tận cùng như khi bị một người hết mực yêu thương ruồng bỏ. Bạn sẽ cảm thấy trái tim như vỡ vụn ra, vì thế người ta mới dùng thuật ngữ “broken heart” để chỉ trạng thái cảm xúc này.

Theo chuyên viên tâm lý Trần Đăng Thảo, nỗi đau tình cảm có thể xảy ra ở bất kỳ lứa tuổi nào, mỗi người ở từng giai đoạn khác nhau sẽ cảm nhận về nỗi đau khác nhau. Đó có thể là cảm giác đánh mất cả thế giới khi chia tay mối tình đầu ở độ tuổi trăng tròn. Khi 20-30 tuổi, bạn thấy lòng trống rỗng khi phải chia tay người mà họ nghĩ sẽ là chồng mình, là cha của con mình trong một gia đình mơ ước. Người đã kết hôn có cảm giác rơi xuống đáy địa ngục trước cảnh ly hôn khi tuổi đã xế chiều, phải chia tay người đã thề hứa cùng mình đi hết cuộc đời.

Nhìn chung, chia tay người yêu thương sẽ khiến bạn buồn bã, chán nản, thậm chí trở nên tuyệt vọng, bế tắc muốn từ bỏ tất cả vì nghĩ rằng không thể sống tiếp nếu thiếu người ấy. Song thực tế đa phần mọi người sẽ vượt qua, sẽ hồi phục mọi vết thương lòng và tìm thấy cho mình hạnh phúc trong tình yêu mới.

Nếu bạn đang ở trong trạng trái này mà không đủ tỉnh táo để biết mình phải làm gì, dưới đây là những gợi ý:

1. Tìm một ai đó quan tâm bạn

Khi đột ngột chia tay người yêu, đa phần đều bị “sốc tâm lý”. Theo sau đó là hàng loạt biểu hiện bất thường xuất hiện như mất tập trung, suy nghĩ quẩn quanh, khó ngủ, khóc lóc, thậm chí cảm thấy toàn thân bị tê liệt.
Bạn đừng tìm cách đối phó với nỗi đau một mình mà hãy tìm một ai đó quan tâm để chia sẻ. Đó có thể là một người bạn thân, một người bạn bình thường hoặc một người mới trên trang web hẹn hò. Trong một số trường hợp, nếu thấy cần thiết, bạn cũng có thể xin nghỉ việc vài ngày.

2. Chăm sóc bản thân

Trong vài tuần đầu sau khi chia tay, bạn sẽ thấy cơ thể khó chịu, bứt rứt, chán ăn, mất ngủ. Vì vậy, hãy chăm sóc bản thân nhiều hơn, đừng để kiệt quệ. Hãy nghỉ ngơi thật nhiều, ăn uống đủ vớinhững món ưa thích, nghe nhạc, chơi thể thao, mua sắm, học khiêu vũ… Bằng những hoạt động phù hợp với sở thích, bạn sẽ dần cảm thấy thoải mái hơn.

3. Viết ra 50 điều bạn thích về bản thân

Khi mới chia tay, bạn thường cảm thấy có lỗi và nghĩ rằng mình “không có giá trị”. Vì vậy, lúc này, bạn nên học cách nâng cao giá trị bản thân và yêu lấy chính mình. Hãy viết ra một tờ giấy 50 điều bạn cảm thấy hài lòng về chính mình. Sau đó, mỗi ngày lại bổ sung thêm một điều. Bằng cách này, bạn sẽ dần cảm thấy tự tin lên.

4. Tâm sự với người đáng tin cậy

Đây là lúc bạn cần tâm sự với người mình tin cậy về những gì đã xảy ra. Bạn càng nói nhiều, nói rõ thì gánh nặng trong tim càng giảm nhẹ đi.

5. Viết ra những điều bạn không thích ở người yêu cũ

Khi thất tình, tâm trí thường đắm chìm trong những ký ức đẹp đã qua bên người ấy. Do vậy, để quên được tình cũ, cách thức trực tiếp nhất là làm cho bản thân nhận ra người ấy và mối quan hệ lúc trước không phải hoàn toàn hoàn hảo.

Hãy viết ra những điều bạn không thích ở người ấy, từ điều nhỏ nhặt nhất trong tính cách đến những hành vi, lối sống, công việc, các mối quan hệ của họ. Hãy đặt những mẩu giấy đó ở một góc dễ quan sát và bổ sung thêm vào đó mỗi ngày.

yeu-nhau-den-may-cung-xa

6. Giấu những tấm hình cũ

Một vài người chọn cách cắt xé hay đốt những tấm hình cũ. Điều này không ích lợi gì nếu bản thân không xóa được hình ảnh ấy trong đầu. Không những thế, rất có thể bạn sẽ cảm thấy hối hận vì xét cho cùng một cuộc tình đã qua cũng mang lại không ít dư vị ngọt ngào.

Thay vì đốt bỏ, hay dọn dẹp những kỷ vật cũ, xếp lại trong một chiếc hộp có khóa rồi giao chúng cho một người bạn hay người thân giữ dùm. Cho đến khi mọi chuyện kết thúc, bạn hoàn toàn cảm thấy thoải mái thì sẽ biết cách xử lý chúng như thế nào.

7. Đừng cố duy trì tình bạn

Người ấy có thể đề nghị tiếp tục làm bạn với bạn. Tuy nhiên, thực tế bản thân họ không thực sự muốn như thế đâu, chẳng qua là một cách để nói lời chia tay cho bớt cảm giác tội lỗi. Thông thường họ nghĩ bạn sẽ từ chối.
Vì vậy, đừng cố gắng duy trì tình bạn, chí ít là trong thời điểm mới chia tay. Bạn cần có khoảng tĩnh để xoa dịu vết thương lòng. Đó cũng là cách tránh nuôi hy vọng hàn gắn tình cảm.

8. Không tiếp tục quan hệ tình dục với nhau

Sẽ có những lúc bạn và người yêu cũ gặp lại trong những tình huống vô tình. Khi ấy 2 người có thể sẽ trò chuyện, ăn chung hay uống vài ly rượu. Sau đó, khi tình cảm xưa sống dậy, cả 2 sẽ có những cử chỉ thân mật, thậm chí quan hệ tình dục. Hành vi này sẽ gây ra những tai hại không nhỏ về sau khiến bạn cảm thấy bối rối, trăn trở với những hồi ức trong quá khứ.

9. Làm cho những ngày cuối tuần bận rộn

Những ngày làm việc trong tuần trôi qua tương đối dễ dàng với người thất tình bởi tâm trí của họ phải bận rộn với công việc, với những mối quan hệ, giao tiếp khách hàng. Trong khi đó, những ngày cuối tuần hoàn toàn rảnh rỗi dễ khiến tâm trí quay lại với ký ức buồn, với nỗi đau đớn của một kẻ bị thất bại trong tình trường.

Chính vì vậy, hãy sắp xếp cho bản thân một ngày cuối tuần khác hẳn: Bận rộn hơn với những cuộc hẹn hò, ăn chơi đình đám, đi ăn, xem phim, mua sắm… Tóm lại, hãy làm bản thân bận rộn thay vì ngồi yên một chỗ và suy nghĩ luẩn quẩn.

10. Chơi thể thao

Thể thao và hoạt động cơ bắp nói chung mang lại những công dụng tuyệt với. Chúng vừa khiến bạn vui vẻ hơn, tâm trạng thư thái hơn do sự chế tiết hormone endorphin điều hòa cảm giác dễ chịu. Bên cạnh đó, hoạt động thể chất làm bạn bận rộn, cảm thấy vui thích và hứng thú, đồng thời còn là cơ hội để bạn mở rộng mối quan hệ.

11. Trang trí lại nhà cửa

Nếu 2 người từng chung sống với nhau thì ngôi nhà ấy chứa rất nhiều kỷ niệm. Để không phải đắm chìm trong hồi ức, bạn nên thiết kế lại căn nhà của mình. Sơn lại phòng ốc bằng những gam màu sáng, thay đổi cách sắp xếp vật dụng trong nhà, trang trí thêm cây cảnh hay tranh tường sinh động. Khi đó ngôi nhà mới là không gian của riêng bạn.

12. Tham gia hoạt động xã hội và tình nguyện

Dù là ai, bạn cũng sẽ cảm thấy vui vẻ hơn, hài lòng và ấm áp hơn khi giúp đỡ một ai đó. Tình thương và lòng vị tha là phương thuốc chữa trị hữu hiệu cho tâm hồn. Lúc đầu, có thể bạn cảm thấy mình không có chút sức lực nào để quan tâm đến ai nữa. Khi thực sự tham gia vào công tác tình nguyện và giúp được người khác, bạn sẽ dần nhận ra mình có khả năng mang đến sự động viên, an ủi cho người kém may mắn hơn, từ đó sẽ cảm thấy vui vẻ hơn rất nhiều. Đây cũng là cơ hội để bạn tìm được những người bạn có cùng sở thích.

St.

Bình luận